Sóc Trăng: Chống khai thác IUU, quyết liệt trong giai đoạn nước rút (13-08-2024)

Hơn 5 năm kể từ sau khi nhận “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với lĩnh vực khai thác thủy sản tại Việt Nam, công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại tỉnh Sóc Trăng đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực, tác động mạnh đến từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Sóc Trăng: Chống khai thác IUU, quyết liệt trong giai đoạn nước rút
Ảnh minh họa

Xác định rõ việc tháo gỡ “thẻ vàng” là trách nhiệm chung, tỉnh Sóc Trăng hiện vẫn đang tiếp tục rà soát, nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế; chuẩn bị sẵn sàng các nội dung phục vụ đợt kiểm tra lần thứ 5 của đoàn thanh tra Ủy ban Châu Âu (EC) dự kiến trong tháng 9 hoặc tháng 10 năm 2024. Qua rà soát, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có 345/345 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị máy giám sát hành trình, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tình trạng tàu cá mất kết nối vẫn còn xảy ra thường xuyên. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 80 tàu mất kết nối trên 6 tiếng, 13 tàu mất kết nối trên 10 ngày, 44 tàu mất kết nối nhiều ngày (trên 6 tháng).

Qua công tác theo dõi, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng) đã kịp thời liên hệ chủ phương tiện và ngư dân có tàu cá từ 24m trở lên khắc phục lỗi mất kết nối theo thông báo của Cục Thủy sản. Các trường hợp còn lại cũng được Chi cục phối hợp cùng đơn vị cung cấp thiết bị và nhà mạng hỗ trợ người dân biện pháp xử lý, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả. Cùng với đó, Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng tổ chức trực 24/24 để theo dõi về tín hiệu kết nối của tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình. Trường hợp tàu cá mất kết nối trong quá trình hoạt động trên biển thì phải có biên bản xác minh cụ thể và lưu trữ hồ sơ. Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các nhà mạng phải cung cấp dữ liệu kết nối của các tàu cá cho đơn vị theo dõi, quản lý; đồng thời hỗ trợ các thiết bị dự phòng, thay thế khi tàu cá xảy ra sự cố mất kết nối...

Đối với công tác quản lý tàu cá, đến nay đã có 322/345 tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã được cấp, đổi, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản. Tuy nhiên qua kiểm tra, hiện vẫn ghi nhận nhiều trường hợp tàu cá vi phạm vùng khai thác so với giấy phép được cấp, gây khó cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác. Ngoài ra, có 378/458 tàu cá (chiều dài lớn nhất từ 6m đến dưới 15m) hết hạn giấy phép khai thác thủy sản. Chi cục Thủy sản đã thông báo cho lực lượng Bộ đội Biên phòng và địa phương thực hiện giám sát không cho các tàu cá này hoạt động trên biển. Đồng thời, tổ chức triển khai hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử. Đã hỗ trợ cho 250 chủ tàu và thuyền trưởng tải ứng dụng cài đặt và sử dụng phần mềm.

Về phía Đồn Biên phòng Trung Bình (huyện Trần Đề) cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, xử lý phương tiện có dấu hiệu vi phạm. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tiến hành rà soát, đến tận nhà để vận động chủ phương tiện và người dân thực hiện ký cam kết không đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, chỉ hoạt động trong phạm vi ngư trường cho phép tại Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu tháo gỡ “thẻ vàng”, xây dựng và phát triển nghề cá tỉnh Sóc Trăng theo hướng bền vững, hiện đại, thời gian qua, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác IUU, đặc biệt là Chỉ thị số 32 -CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản. Nhiều giải pháp vẫn đang được ngành tăng cường phối hợp với các đơn vị có liên quan nhằm chung sức cùng cả nước , sớm “khơi thông” hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Châu Âu.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới, ngành thủy sản Sóc Trăng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, các tờ rơi, pano, áp phích. Hiện nay, Sở cũng đã phối hợp cùng Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức các phiên tòa giả định xử lý đối với các trường hợp khai thác thủy sản sai quy định, không đảm bảo về bảo vệ nguồn lợi thủy sản để làm sao vừa tuyên truyền vừa kết hợp hướng dẫn cho bà con tuân thủ các quy định về khai thác một cách tốt nhất. Mặt khác, chú trọng rà soát các tàu về công tác đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác, các thủ tục ra/vào, xuất/nhập cảng. Tăng cường công tác giám sát các tàu cá qua cảng để đảm bảo nhật ký khai thác rõ ràng, minh bạch về sản lượng khai thác. Đồng thời, tiếp tục công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm, giúp bà con nâng cao nhận thức, nắm rõ các quy định về khai thác để tiến đến phát triển nghề khai thác thủy sản có trách nhiệm và bền vững theo đúng chỉ đạo của Trung ương.

Hiện nay, chỉ còn thời hạn chưa đầy 2 tháng để các tỉnh, thành phố ven biển khắc phục những khuyến nghị về cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Chưa gỡ được “thẻ vàng” thì sản phẩm thủy sản khai thác của nước ta sẽ gặp rất nhiều rào cản trong xuất khẩu ở tất cả các thị trường trên thế giới. Một khi giá trị hàng hóa hải sản xuất khẩu không được cải thiện, ngư dân sẽ là người chịu thiệt thòi trước tiên. Với những giải pháp bài bản đang được tập trung triển khai; có thể thấy, tỉnh Sóc Trăng đang chung tay cùng cả nước hành động quyết liệt cho giai đoạn “nước rút” sau hành trình dài nỗ lực “gỡ thẻ”.

Ngọc Thúy (soctrang.dcs.vn)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác